Một cõi đi về
Một bài hát không nhất thiết phải buồn mới hay. Nhưng hầu như những bài hát hay cho đến nay ta còn giữ lại được trong trí nhớ, thường có những giai điệu buồn. Khi một bản tình ca buồn ra đời, không nhất thiết tác giả của nó phải sống trong một câu chuyện tình phụ. Nhưng thường khi sau mỗi cuộc oan trái của tình thì người nhạc sĩ vẫn hay muốn xé vụn lòng mình thành những lời than thở. Lời than thở biến thành âm thanh. Âm thanh liên kết nhau thành giai điệu. Rồi giai điệu ôm lấy lời than thở kia cùng nhau đi qua một quãng đường ngắn để mang cái tâm sự riêng đến với đời chung.
Cái riêng không nhất thiết chỉ cho một người. Một người thì không thể có Tình Yêu. Và không có Tình Yêu thì hạnh phúc, đau khổ với ai. Không hạnh phúc, không đau khổ thì âm nhạc mà làm gì? Trong đời sống, vì sợ mất nhau mà phải dự phòng than thở trước. Than thở như dự kiến một điều bất hạnh có thể phải xảy ra. Cho nên khi nói đến sự mất mát có thể đó là sự mất mát của người khác chứ không phải của mình. Phút ấy, cái chung bỗng biến thành cái riêng và vì sao lại ái ngại không mang cái riêng để nhờ cõi chung chia sẻ cùng mình.
Ai cũng biết than thở. Than thở là cái nghề chung của loài người mà không cần phải học. Không hề có ranh giới giữa than thở chuyên nghiệp và tài tử.
Hạnh phúc là một điều không bao giờ có thật. Nếu có thật thì những nhà tiên tri vĩ đại đã không nhọc lòng bịa đặt thêm Thiên Ðường và Niết Bàn để làm gì nữa. Cái hạnh phúc ở Trần Gian chính là ý thức được khổ đau. Ðau khổ nên phải biết rộng lòng với nhau hơn, tử tế hơn, độ lượng hơn, biết tha thứ, nhân hậu hơn. Bài học ấy không dề gì, bởi Cuộc Sống cho đến nay điều Thiện vẫn còn vắng bóng.
Có môt nỗi buồn ở nơi này thì sẽ có một niềm vui ở chốn khác.
Có một trái tim khổ nạn ở người này thì tất nhiên sẽ có mọt trái tim hân hoan ở kẻ khác.
Những ai đã đi đến với đời thì phải có lúc lìa xa nó. Một cõi đi về.
Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người.
Trong câu chuyện đời chung, kẻ này quên thì người kia phải nhớ. Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hoá cho một ý tưởng khác nảy sinh.
Cái mất không bao giờ mất hẳn. Cái còn không hẳn mãi là còn.
- Trịnh Công Sơn
Comments
Post a Comment